top of page

Tác dụng phụ của vắc xin COVID

Updated: Jul 26, 2021


Tất cả các loại thuốc, bao gồm vắc xin, đều có lợi ích và rủi ro. Với người khỏe mạnh, tác dụng phụ của vắc xin đa phần là nhẹ, có thể chỉ kéo dài vài ngày và bạn sẽ hồi phục mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.


Vắc xin COVID-19 có thể gây triệu chứng tương tự như cúm nặng. Người tiêm vắc xin có thể phải nghỉ ngơi một thời gian ngắn, thông thường 1-2 ngày.


Tác dụng phụ phổ biến (gặp ở 1 trong 10 người tiêm)

  • Đau, sưng, ngứa vị trí tiêm

  • Cảm thấy không khỏe, mệt mỏi

  • Ớn lạnh hoặc cảm thấy sốt

  • Đau đầu

  • Buồn nôn

  • Đau khớp hoặc đau cơ

Tác dụng phụ thường gặp (gặp ở ít hơn 1 người trong 10 người tiêm)

  • Sưng, đỏ hoặc nổi cục ở chỗ tiêm

  • Sốt

  • Bị ốm (nôn mửa) hoặc tiêu chảy

  • Có các triệu chứng giống cúm, như sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho và ớn lạnh

Tác dụng phụ hiếm gặp (gặp ở 1 trong số 100 người tiêm)

  • Chóng mặt

  • Chán ăn

  • Đau bụng

  • Sưng hạch

  • Đổ mồ hôi nhiều, ngứa da hoặc phát ban

Tác dụng phụ rất hiếm gặp

  • Đông máu - Xem thêm ở đây

  • Sốc phản vệ - Xem thêm ở đây

  • Viêm cơ tim - Xem thêm ở đây.

  • Hội chứng Guillain-Barre (hiếm gặp ở người tiêm vắc xin J&J, AstraZeneca): viêm dây thần kinh với biểu hiện là đau, tê, yếu cơ và có thể khó khăn khi đi lại. Hiện chưa rõ đây có phải là tác dụng phụ của vắc xin không nhưng cần theo dõi. Người có dấu hiện trên sau khi tiêm vắc xin cần đi khám và điều trị.

BMJ có một bài báo (6/2021) tổng hợp biến cố bất lợi trên 126 triệu người tiêm vắc xin COVID, từ 8 quốc gia là Australia, Pháp, Đức, Nhận, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Sốc phản vệ là một biến cố hiếm gặp.


Một số câu hỏi phổ biến:

  1. Tiêm vắc xin có gây vô sinh nam hoặc vô sinh nữ không? KHÔNG.

  2. Tôi không gặp phải tác dụng phụ nào sao khi tiêm vắc xin, liệu có phải tôi sẽ không có miễn dịch? KHÔNG. Đánh giá tính sinh miễn dịch không dựa vào triệu chứng sau tiêm. Cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau. Triệu chứng sau tiêm KHÔNG cho biết liệu cơ thể bạn có sinh miễn dịch không. Nói một cách khác, dù không có triệu chứng gì sau tiêm, cơ thể bạn vẫn có thể sinh miễn dịch, hoặc không sinh miễn dịch.

  3. Tiêm vắc xin có phải là tiêm vi rút vào người, do đó tôi có thể bị bệnh không? Liệu có làm tôi mắc COVID không? KHÔNG. Hiện tại các vaccine cho Covid 19 đều không sử dụng công nghệ vi rút sống giảm độc lực, nên không thể mắc Covid do tiêm vaccine được.

  4. Tôi muốn có con, liệu tiêm vắc xin có ảnh hưởng tới con tôi không? KHÔNG. Hiện không có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với việc mang thai, kể cả sự phát triển của nhau thai. Hiện chưa thấy trường hợp nào tiêm vắc xin xong, có thai mà thai nhi bị ảnh hưởng. Vì vậy, CDC Mỹ cho rằng nếu muốn, bạn vẫn có thể bầu sau khi tiêm vắc xin.

  5. Vắc xin mRNA có làm thay đổi DNA của tôi không. KHÔNG. Vắc-xin COVID-19 không làm thay đổi hay ảnh hưởng đến ADN của bạn theo bất kỳ cách nào.

  6. Liệu tiêm vắc xin có làm tôi bị dương tính khi xét nghiệm RT-PCR không? KHÔNG.

  7. Vắc xin có làm vi rút đột biến không? KHÔNG. Vắc xin không trực tiếp tạo ra vi rút đột biến.

  8. Có nên uống thuốc dự phòng trước khi tiêm vắc xin để đỡ bị phản ứng phụ không? KHÔNG. Theo ThS.BS Vũ Minh Điền, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và công nghệ thông tin thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, người dân không nên làm theo “đơn thuốc" này. Không cần và không có thuốc nào dự phòng tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 được.


Sau khi tiêm:

  1. Nếu sốt trên 38 °C hoặc quá đau đầu, đau người, bạn có thể uống Paracetamol mỗi 6 tiếng để giảm khó chịu và gọi điện báo cho điểm tiêm chủng.

  2. Nếu sưng đau tại chỗ tiêm, không đè, ép, chỉ chườm bằng khăn mát và sạch. Bạn sẽ hết đau sau 1-2 ngày.

  3. Hãy gọi điện cho cơ sở y tế hoặc phòng tiêm chủng để được tư vấn cụ thể về tác dụng phụ do vắc xin. Bạn có thể tìm thấy số điện thoại ở phiếu tiêm/sổ tiêm của bạn.


Tham khảo: BS Vũ Quốc Đạt, BS Bùi Nghĩa Thịnh.

2,336 views

Recent Posts

See All
bottom of page